Nằm dọc theo con đường Quy Nhơn - Sông Cầu, biển Quy Hòa như một bức tranh thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng với những bãi biển xanh ngắt, sạch đẹp, chạy dài tít tắp. Du khách có thể thỏa thích vui đùa cùng sóng nước hay chỉ mất khoảng 30 phút đi thuyền máy sang các hòn đảo ở ngoài khơi để tận hưởng không gian yên tĩnh và trong lành. Từ quốc lộ 1D (đường Quy Nhơn - Sông Cầu), xuôi theo những con dốc thoai thoải với chặng đường chưa đầy 3km là như đặt chân vào một thế giới khác. Quy Hòa lặng lẽ, dịu dàng và kín đáo như một góc khuất nhỏ của thành phố Quy Nhơn. Thả bộ theo con đường xanh mát bóng cây từ khu hành chính ra biển, khu vườn tượng danh y nằm về phía tay phải. Quần thể khu vườn có 40 bức tượng bán thân của các bậc danh y Đông Tây kim cổ, xoay vào nhau trên con đường nhỏ dưới hàng dương cổ thụ râm mát. Qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, chân dung các bậc danh y, từ Hải Thượng Lãn Ông đến Hippocrate, từ H.Dunant đến GS Tôn Thất Tùng… hiện ra thật sống động. 40 bức chân dung, 40 khuôn mặt toát lên vẻ đăm chiêu như chung một nỗi niềm trăn trở. Trước những tấm lòng quảng đại, khách viếng thăm chỉ biết lặng lẽ cúi đầu thành kính, vọng ngưỡng. Bên ngoài vườn tượng, biển Quy Hòa sớm mai như một nàng tiên nữ e ấp, dịu dàng như thể nàng vừa lạc chân đến xứ người! Nhưng đừng vội thả mình vào dòng nước xanh. Hãy tìm một nơi để thưởng thức vẻ đẹp mỹ miều của biển hoặc theo những bậc thang lên đài cao đợi nắng. Nắng trải đầy trên những con đường đầy hoa. Hoa giấy đỏ hồng phủ trùm trên những tán lá xanh. Hoa rải khắp mặt đất, trên con đường dẫn vào nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử lúc nào cũng mở rộng cửa chờ đón du khách và những người yêu mến nhà thơ viếng thăm. Nơi căn phòng nhỏ này vào ngày 11-11-1940, Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại những nỗi đau trần thế. Mộ của nhà thơ đã cải táng và xây dựng lại trên đồi Ghềnh Ráng (còn có tên gọi rất nên thơ là đồi Thi Nhân). Ở Quy Hòa, ngoài căn nhà lưu niệm này thì ở sườn núi phía bắc vẫn còn một di tích nhỏ nơi an táng nhà thơ lần đầu tiên. Trên con đường trải bêtông xanh mát bóng dừa vào nơi ở của những bệnh nhân phong, bạn sẽ gặp rất nhiều nụ cười hồn hậu, mến khách. Một nụ cười trên môi, một cái gật đầu khe khẽ cũng đủ làm người ta thấy ấm lòng. Đám trẻ con thì khỏi phải nói. Thấy khách đưa máy ảnh lên chúng ngượng ngùng che mặt, thế nhưng sau đó lại líu ríu, nằng nặc đòi xem hình. Và khi đã kịp quen, chúng không ngại ngần làm “mẫu”. Những nụ cười hồn nhiên, những ánh mắt đáng yêu đến lạ. Năm 1929, linh mục Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa. Khi ấy nơi đây là một vùng đất hoang sơ, biệt lập với bên ngoài, thích hợp việc xây dựng một khu điều trị cho những người bị bệnh phong, một trong tứ chứng nan y thời bấy giờ. Năm 1932, sau một cơn bão lớn, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân bị hư hỏng, giám đốc bệnh viện lúc bấy giờ là soeur Charles Antoine (vốn là một kiến trúc sư) và người phụ tá của mình là soeur Ozithe đã xây dựng lại bệnh viện và nhà ở cho bệnh nhân phong. Năm 1976, dòng Phanxico bàn giao Bệnh viện Quy Hòa cho Bộ Y tế. Từ đó đến nay qua các đời bác sĩ, giám đốc bệnh viện như Phạm Ngọc Trưng, Trịnh Đình Lang, Trần Hữu Ngoạn, Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Thanh Tân đã dồn hết tâm huyết xây dựng Bệnh viện phong - da liễu Quy Hòa thành khu điều trị các lĩnh vực da và hoa liễu, phụ trách 11 tỉnh miền Trung - Tây nguyên; đồng thời xây dựng cảnh quan thung lũng Quy Hòa theo hướng phát triển du lịch - giải trí để xóa bỏ mặc cảm về bệnh phong.