Chia sẻ

Chùa Hương Lãng

28/03/2024

Chùa Hương Lãng, tên tự là Giác Viên tự, tên nôm là chùa Lạng, dân gian vẫn quen gọi là chùa ông Sấm, tọa lạc tại thôn Hương Lãng (sau đổi tên là thôn Chùa), xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 

Làng quê truyền thống Minh Hải được xem là một làng cách mạng. Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc, chùa Hương Lãng từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi nuôi giấu, che chở cho các đồng chí cán bộ cách mạng về địa phương hoạt động được an toàn. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và cả sau khi hòa bình lập lại, Tiền đường chùa được sử dụng làm trường học cấp I của con em trong làng.

Ngày nay, di tích được tu sửa khang trang, sạch đẹp, làm nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Cũng như bao ngôi chùa khác ở nước ta, chùa Hương Lãng là nơi thờ Phật, thờ Tổ và thờ Mẫu, nơi khuyên răn con người sống và làm việc theo điều thiện. Chùa còn thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà dưới thời Lý. Tương truyền những năm tháng cuối cuộc đời trong cung, Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã cho xây dựng rất nhiều đền chùa cầu quán khắp cả nước. Ngày 25/7 năm Đinh Dậu (1117) đời Vua Lý Nhân Tông bà băng hà thọ 73 tuổi, thi hài được đưa về an táng tại quê hương nhà Lý ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Chùa Hương Lãng toạ lạc trên một thế đất cao ráo đẹp đẽ, tương truyền là thế đất hình "Cô tiên" thuộc thôn Chùa, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Theo sử sách, Chùa Hương Lãng có từ thời Lý do Hoàng thái Hậu Ỷ Lan dựng năm 1115. Sau đó, chùa đã bị phá huỷ, vết tích thời Lý hiện tại còn ở chùa là bệ tượng đá sư tử đội hoa sen, các thành bậc chạm sấu đá.

Hiện nay trên nền đất của chùa Hương Lãng cổ, các hạng mục cũ đã và đang được phục dựng lại. Chùa nằm trên khu đất khoảng gần 1ha, xây theo kiểu chữ Tam gồm: Đại bái, tiền đường và thượng điện. Toà đại bái quay hướng chính chùa nhìn ra sông Lạng, gần đường làng, được phục hồi năm 1995, với quy mô 7 gian, dài 20m; rộng 5m; mái lợp ngói ta. Nóc mái là hình hai con rồng chầu mặt trời, bờ nóc đắp hai con giống. Thềm nhà đại bái có hai thành bậc chạm hình sấu đá quay đầu về phía trước, con bên phải đã bị mất đầu, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII (thời Lý). Thành bậc được tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch (nguyên liệu sử dụng phổ biến của thời Lý), có dáng hình thang vuông, đề tài hoa văn trang trí tương tự nhau. Phía trên thành bậc chạm hình sấu thần, phía dưới mặt ngoài thành bậc chạm hình chim phượng đứng múa trên hoa sen, xen kẽ là hình hoa cúc dây mềm mại trong một khung hình tam giác. Mặt trong thành bậc để trơn không trang trí hoa văn. Bên trong nền đại bái lát gạch Bát, kiến trúc của đại bái làm theo kiểu vì kèo con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột, kết cấu khung chịu lực được làm bằng xi măng cốt sắt giả gỗ theo phong cách truyền thống.

Từ đại bái qua một khoảng sân rộng mới tới toà tiền đường. Tiền đường phục hồi năm 1995 với 7 gian dài 20m, rộng 5m. Muốn vào trong toà tiền đường phải qua các bậc thềm, ở đây các bậc thềm được ngăn cách thành 5 lối bởi 6 thành bậc chạm hình sấu đá nằm quay đầu ra phía trước. Thành bậc được tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch (nguyên liệu sử dụng phổ biến của thời Lý), có dáng hình thang vuông, đề tài hoa văn trang trí tương tự nhau. Phía trên thành bậc chạm hình sấu thần, phía dưới mặt ngoài thành bậc chạm hình chim phượng đứng múa trên hoa sen, xen kẽ là hình hoa cúc dây mềm mại trong một khung hình tam giác. Mặt trong thành bậc để trơn không trang trí hoa văn. Tòa Tiền đường có kiến trúc kiểu vì kèo con chống đầu sen với bốn hàng chân cột, tất cả các cột đều được kẻ trên chân tảng đá trang trí hoa văn hình cánh sen mang phong cách thời Lý. Các bộ vị kèo đều được làm bằng gỗ lim, được chạm khắc hoa văn các đề tài hoa lá cách điệu. Tại gian giữa tiền đường treo bức đại tự “Từ quang phổ chiếu”. Hai bên là đôi câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa. 

Ở hai bên đầu gian tiền đường bài trí hai pho tượng Hộ pháp. Bên trái là vị Khuyến thiện (mặt hồng) và bên phải là vị Trừng ác (mặt đỏ). Người ta gọi tắt là ông thiện và ông ác. Đây là hai vị thiên thần có sức mạnh chuyên coi việc hộ trì phật pháp. Thuyết về hai vị này được lưu truyền như sau: Ông Thiện và ông Ác là con vua nước Blalai, ông thiện là con bà cả được đặt tên là “Thiện Hữu”, ông ác là con bà hai được đặt tên là “Ác Hữu”. Ông “Thiện Hữu” có tính nhân từ, thương người. Ngược lại, ông “Ác Hữu” tính tình độc ác, chỉ mưu toan giết anh giành ngôi. Về sau được anh cảm hóa và ngộ đạo. Do vậy, hai ông được thờ ở chùa và bày đối xứng nhau như muốn nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên thiện- ác. 

Ông Khuyến thiện ngồi trên mình sư tử, đầu sư tử quay sang bên phải và ngoảnh về phía trước, nét mặt tượng nghiêm nghị với đôi mắt nhìn thẳng, tay tượng cầm ấn quyết giơ ngang trước ngực. Còn ông Trừng ác sắc mặt trông dữ dằn hơn với đôi mắt mở to, lông mày xếch ngược, một tay cầm chùy tựa vào đuôi sư tử, tay còn lại đặt lên đùi. Hai vị mặc áo giáp trụ, dáng võ tướng uy nghi, lẫm liệt, cao 2,1m, vai rộng 0,65m, chất liệu bằng đất sét. 

Tiếp nối với hai pho tượng Hộ pháp là các pho tượng Đức Ông và Thánh Tăng. Gian bên phải Tiền đường là ban thờ Thánh Tăng. Tượng được tạc trong tư thế ngồi trong khám, đầu đội mũ tỳ lư, khuôn mặt tượng trắng hồng, nét mặt hiền từ, tay tượng kết ấn trước ngực. Thánh Tăng là vị đại diện cho sư sãi ở mọi thời đại. Ngài là em họ của Đức Thích Ca. Ngài nhớ tất cả những lời phật dạy và sau khi Phật viên tịch đã ghi lại thành kinh để truyền bá cho đời sau. 

Gian bên trái là ban thờ Đức Ông. Ngài còn có tên khác là Cấp Cô Độc, là người đã bỏ tiền của ra để cứu vớt những người cô đơn cô quả nên thường được thờ tại các ngôi chùa. Tượng Đức Ông được tạc trong tư thế ngồi trong khám. Đầu tượng đội mũ, mặt tượng đỏ, đôi mắt nhìn thẳng, dâu dài. Hai tay tượng để trên lòng đùi.

Tòa Thượng điện cách tòa Tiền đường một khoảng trống. Thượng điện có kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Đây là nơi nhà chùa bài trí ban thờ Phật. Lớp trên cùng là Tam Thế phật đại diện cho ba thời hiện tại, quá khứ và tương lai. Tượng có kích thước tương đối nhỏ, hình dáng đều được tạc ở tư thế ngồi trì niệm, tay của mỗi pho tượng đều có các cách kết ấn khác nhau. Đầu có "Nhục kháo" núm thịt nổi lên trên đỉnh đầu, thể hiện sự vô thường và "Vô kiến đỉnh tướng" chỉ có mắt thần mới nhìn thấy được. Các búp tóc xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ. Tượng khoác áo cà sa mỏng, ngồi tọa trên đài sen, trước ngực có chữ Vạn thể hiện ánh sáng trí tuệ từ Phật tỏa ra. Lớp thứ 2 là Linh vật sư tử đội tòa sen tạo thành bệ đá lớn. Bệ đá hoa sen này có tổng chiều dài 4,2m; rộng 3,5m; cao 1,15m được ghép bằng các viên đá vuông chạm hình hoa mềm mại. Bệ đá gồm ba tầng: tầng đế, tầng thân, tầng hoa sen. Tầng đế dạng hình hộp chữ nhật được ghép bằng nhiều phiến đá hình chữ nhật bằng đá chì, đế được tạo thành bốn cấp thu dần vào, mỗi học bậc cao 0,13m; rộng 0,5m. Phần thân bệ đá tạc hình tượng sư tử, được ghép bằng nhiều phiến đá lại với nhau. Hai bên hình tượng đã bị vỡ, chỉ còn lại phần cuối. 

Sư tử được thể hiện ở tư thế gồng mình, hai chân trước hơi vát hình chữ v, hai chân sau co gập. Giữa trán chạm hình hoa sen tròn bao quanh chữ Vương, mắt mở to, mày cong nổi cao, mũi lớn, bờm xoắn, miệng to ngậm hạt ngọc tròn, để lộ hàm răng. Đuôi sư tử chạm lượn sóng. Các khoảng trống đều điền kín hình hoa cúc. Đài sen đặt chính giữa lưng sư tử với 2 lớp cánh ngửa. Cánh sen khá mập, theo ước tính nếu còn nguyên thì đài sen này có thể rộng tới 2m. Có thể nói đây là bệ tượng đồ sộ nhất của thời Lý hiện còn lưu giữ tại di tích. Pho tượng Phật ngồi trên bệ đá này đã bị thất truyền trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Hệ thống thành bậc đá và tượng sư tử đá chùa Hương Lãng đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Dọc 2 dãy hành lang tòa Thượng điện bài trí các pho tượng Adida, Thích Ca, Quan âm thiên thủ thiên nhãn và Quan thế âm bồ tát. Phật Adiđà đứng chủ về cõi niết bàn ở phía Tây. Ngài có 13 đại hồng danh (13 tên gọi vĩ đại), trong đó nổi lên là Vô Lượng Quang Phật (ánh sáng phật pháp từ ngài tỏa ra muôn nơi, không gì che cản nổi, nhằm cứu độ chúng sinh) và Vô Lượng Thọ Phật (vị Phật thọ ngang hàng cùng trời đất để giáo hóa mọi kiếp đời). Người Việt nam coi Adiđà là vị cứu tinh, giải thoát cho những kiếp người đau khổ. Tượng Adiđà xếp tròn theo kiểu “hàng ma tọa” tránh sự tác động của ngoại cảnh. Đầu tượng nở, sọ tượng to, nhục kháo nhô cao, tóc xoắn bụt ốc, trán rộng, mặt đầy đặn, mắt khép hờ nhìn xuống, sống mũi thẳng, miệng cười tươi. Tai tượng trải dài, cổ tượng ba ngấn. Ngực và bụng tượng nở. Tượng mặc áo có nhiều nếp chảy xuôi xuống với ống tay rộng phủ xuống cả đài sen. Chính giữa bụng tượng được kết hình con Do tạc tương đối đẹp. Ngực tượng có chữ Vạn. Hai tay tượng kết ấn “Pháp định giới” (hay còn gọi là ấn tam muội): tất cả các ngón tay khép lại, để thẳng đặt lên lòng đùi, tay trái để dưới tay phải chồng lên, hai ngón cái gần chạm vào nhau. Cách kết ấn này có ý nghĩa tránh cho phân tâm không bị tà loạn và chống được ma quỷ. Tượng ngồi trên đài sen với ba lớp cánh, các cánh sen mập, để trơn không trang trí. Quan âm thiên thủ thiên nhãn với khuôn mặt tươi tắn, miệng hơi cười, tượng được tạo có nhiều cánh tay xoè rộng sang hai bên có tính chất đăng đối, đôi tay chính chắp trước ngực kết ấn "chuẩn đề" và 2 tay để vào lòng đùi theo thế ấn "tam muội".

Tượng Quan Thế  m bồ tát bên trái, tay cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy. Ngài đại diện cho đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Còn Đại Thế Chí bên phải tay cầm cành hoa sen màu xanh. Là vị bồ tát đại diện cho tứ đại là: Đại hùng, đại lực, đại trí và đại tuệ. Đây là các vị Bồ tát cứu vớt, cứu độ cho chúng sinh trong nhân gian. Các vị được tạc trong tư thế đứng, đầu đội mũ, tay kết ấn.

Trong khuôn viên của chùa còn có nhà thờ Tổ, đây là một hạng mục mới được phục dựng lại vào năm 1995, kiến trúc đơn giản gồm 3 gian. Gian giữa đặt ban thờ Bồ Đề Đạt Ma. Đây là vị tổ thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ và cũng là vị tổ cuối cùng. Ông vốn là Hoàng tử vùng Nam Ấn, có công trong việc truyền Phật giáo sang Trung Hoa và được coi là sư tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Việt Nam ảnh hưởng phật giáo đại thừa từ Trung Hoa nên cũng coi ông là vị tổ đầu tiên của phái Thiền Tông nước ta. Tượng được tạc trong tư thế ngồi. Khuôn mặt tượng vuông, có râu quai nón. Đây còn là nhà ở của vãi trông chùa. Nằm bên trái chùa là nhà mẫu xây dựng kiểu nhà cấp 4 đơn giản, bên trong đặt ban thờ Mẫu. Bên phải chùa là ngôi miếu nhỏ, được xây dựng năm 2016 để thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan.

Đặc biệt chùa Hương Lãng còn lưu giữ một số hiện vật quý thời Lý như hệ thống thành bậc đá và tượng sư tử đá, một công trình nghệ thuật thể hiện trí tuệ, óc tưởng tượng tuyệt vời và đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thời Lý, là biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá và đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện tại, chùa còn lưu giữ được một số hiện vật tiêu biểu khác như hệ thống tượng thờ, câu đối, đại tự và nhiều hiện vật có giá trị khác

Chùa Hương Lãng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi giải tỏa tâm linh của nhân dân trong thôn và khách thập phương mỗi dịp về thăm di tích, là nơi bảo lưu truyền thống văn hóa tốt đẹp, là nơi cầu nguyện mong ước một cuộc sống ấm no với mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Lễ hội chùa Hương Lãng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, một hoạt động quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân biểu hiện sự kết hợp hài hòa giữa tâm hồn Việt và những nghi lễ phật giáo. Ngoài những ngày tuần, rằm thông thường, chùa Pháp Vân có những lễ hội chính sau:

Ngày lễ Phật Đản (15/4): Đây chính là lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật.

Ngày lễ Vu Lan (15/7): Đây gọi là mùa Vu Lan báo hiếu. Lễ này kết hợp với tín ngưỡng bản địa là thờ cúng tổ tiên và xá tội vong nhân. 

Vào ngày mồng 9 - 13/3 (âm lịch), ngày chính là ngày 10/3, dân làng tổ chức cúng giỗ để tưởng nhớ đến bà Nguyên Phi Ỷ Lan. Nghi lễ trong ngày này chủ yếu do sư trụ trì và các bậc cao niên trong làng làm lễ còn toàn bộ nhân dân địa phương chủ yếu tham gia phần hội. Trong ngày giỗ tổ khoảng sân rộng trước chùa trở thành nơi vui chơi, nơi diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ như đánh cờ, chọi gà,...

Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc vốn có, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 15VH/QĐ - BVHTT công nhận xếp hạng chùa Hương Lãng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia ngày 13/3/1974.

Chia sẻ

Thảo luận (0)

Hình ảnh

Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai

Xem cùng bài viết

Tin mới

Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole bằng VR3D
Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole bằng VR3D
Tham quan ảo|28/07/2024

Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo. Trong quá trình cải tạo Bamboo Bar của khách sạn danh tiếng Sofitel Legend Metropole Hà Nội, đội thi công tình cờ phát hiện mái của một hầm trú ẩn bị chôn vùi đã lâu. Vào tháng 8-2011, khi đào sâu hơn hai mét vào lòng đất, đội thi công đã chạm phải khối bê tông cốt thép kiên cố.

Lời giới thiệu từ đội ngũ Danh gia sử ký
Lời giới thiệu từ đội ngũ Danh gia sử ký
Lời giới thiệu|28/07/2024

Chào mừng bạn đến với "Danh gia sử ký" , Bảo tàng số gia đình, một nơi đặc biệt mang trong mình giá trị vô giá của gia đình và dòng họ. Trong thời đại công nghệ số phát triển, việc lưu giữ và truyền tải di sản văn hóa dòng họ qua nhiều thế hệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương
Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương
Lịch sử|28/07/2024

Trong trận đánh kéo dài từ ngày 28/6 – 16/9/1972, hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng đã hi sinh trong tòa thành lịch sử. Rất nhiều người trong số đó mới ở độ tuổi 18, đôi mươi, là những chàng sinh viên “gác bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Tộc ước - gia pháp
Tộc ước - gia pháp
Lời giới thiệu|12/07/2024

Để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường mối quan hệ tình cảm huyết thống, thế thứ họ hàng của dòng Họ Nguyễn, phù hợp với xã hội mới, nền văn hoá mới của đất nước. Đồng thời để kết hợp hài hoà giữa việc tổ chức sinh hoạt dòng họ với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống trong địa bàn dân cư”

Ưu điểm của việc số hóa gia phả trong việc bảo tồn di sản gia đình.
Ưu điểm của việc số hóa gia phả trong việc bảo tồn di sản gia đình.
Văn hóa|28/03/2024

Số hóa gia phả mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, giúp lưu giữ những câu chuyện, truyền thống và giá trị văn hóa quý báu của gia đình qua các thế hệ. Hãy cùng khám phá những lợi ích không thể phủ nhận của việc số hóa gia phả trong bài viết dưới đây.