Chia sẻ

Chùa Mễ Sở

05/04/2024

Chùa Mễ Sở có tên tự là Diễn Phúc tự, tên thường gọi là Chùa Mễ Sở. Chùa Mễ Sở được gọi theo tên địa danh hành chính của thôn Mễ Sở. Ngoài ra, cái tên Mễ Sở (kho gạo) do vua Trần Nhân Tông đặt cho, lưu danh chiến công của nhân dân trong vùng cất giấu, tiếp tế lương thảo cho quân đội nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên – Mông thế kỷ XIII.

Chùa được khởi dựng từ sớm, trùng tu vào thời Lê và thời Nguyễn. Mặc dù đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng chùa Mễ Sở vẫn giữ được phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hiện nay, chùa có kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Các hạng mục làm bằng gỗ tương đối vững chắc. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đây là hướng đẹp và tương đối phổ biến của các ngôi chùa Việt. Hướng Nam là hướng đầy dương tính, sáng sủa, hợp với khí hậu nước ta; đồng thời là hướng của đế vương, là phương của trí tuệ. Đây còn là hướng có gió lành, hướng của sự phát triển vươn tới.

Bố cục mặt bằng chùa Mễ Sở được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra, trong khuôn văn chùa còn có các hạng mục công trình như: Tam quan, nhà Tổ, nhà Mẫu,...

Tam quan ngoại

Từ dốc đê đi xuống công trình đầu tiên là Tam quan ngoại. Tam quan mang ý nghĩa là ba cái nhìn, lối nhìn hay chính là ba nhận thức về giáo lý nhà Phật. Ba cửa nhưng chỉ có một con đường “nhất chính đạo”- con đường đến thế giới cực lạc. Tam quan mới được xây dựng, tôn tạo năm 2021. Cửa chính được làm kiểu chồng diêm ba tầng tám mái. Đỉnh mái đắp biểu tượng hoa sen đặt trên bánh xe luân hồi. Hai đầu mái đắp đôi kìm ngậm đầu bờ nóc, đuôi kìm có hình vân cuộn xoắn như dấu hỏi ngược. Các đao mái làm thành hình đầu rồng vờn mây. Phần cổ diêm đắp chữ Hán: "Diễn Phúc tự" (Chùa Diễn Phúc). Hai bên cột giả đắp câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi con người và cảnh vật. Trên vòm cuốn cửa hai mặt trang trí biểu tượng phượng vờn vân. Ngăn cách cửa chính với cửa phụ là bức tường lửng. Mặt trước tường đắp phù điêu lính canh cổng trong tư thế đứng, mặc áo giáp, đội mũ, đi hia, một ông tay cầm đao, một ông tay cầm kiếm.

Cửa phụ một tầng mái, đỉnh mái đắp hình mặt nhật, đầu mái đắp đôi kìm ngậm vào đầu đao được tạo tác giống với đầu mái đao cửa giữa. Cổ diêm đắp phù điêu hoa lá sen biểu tượng của sự trong trắng (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Nối cửa phụ với cột trụ là bức tường được trang trí hình chim phượng. Cột trụ có đế thắt bồng, thân vuông, trên thân ghi câu đối chữ Hán với nội dung ca ngợi công thần, ô lồng đèn trang trí tứ quý, đỉnh cột đắp hình búp sen. Cánh cửa chính và cửa phụ được làm bằng gỗ nguyên bản trang trí hoa văn tứ quý.

Tam quan nội

Từ Tam quan ngoại đi vòng qua vườn hoa và một ao sen nhỏ là đến Tam quan nội. Tam quan nội chùa có từ thời Nguyễn và đã trải qua nhiều lần tu sửa. Tam quan có kết cấu chồng diêm, hai tầng tám mái với các bậc thang đi lên ở phía Tây. Hai bên Tam quan là các cột trụ biểu vuông chia làm ba phần: đỉnh trụ, thân trụ và đế trụ.

Đỉnh hai cột trụ biểu giữa đắp hình phượng lá lật, hai cột bên là đôi nghê chầu vào nhau. Các ô lồng đèn đều đắp nổi hình tứ linh và tứ quý. Những linh vật này đều được thể hiện trong trạng thái động như muốn nói lên sức mạnh linh thiêng của chúng. Phần cổ diêm tầng thứ nhất trang trí đề tài tứ linh, phía trên là hình hoa chanh. 

Tầng hai có hành lang thông thoáng. Bốn mặt đều trổ cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên. Trước đây, ô cửa tròn phía trước có trang trí hình mặt trời, hai bên là đôi phượng chầu vào. Ngày nay, các ô cửa đã được thay thế bằng hình bánh xe luân hồi. Giữa đường bờ nóc đắp biểu tượng hổ phù ngậm chữ Thọ đội mặt nhật, phía ngoài là đôi kìm, đuôi kìm cuộn thành hình bánh xe luân hồi đặt lên đầu bờ nóc. Bốn đầu đao tầng trên làm thành hình đầu rồng vờn mây, bên trên đoạn gấp khúc đặt hai con sô chầu vào nhau. Đường bờ giải tầng dưới được trang trí bằng thân rồng, đầu đao là đầu con rồng ngẩng cao. Kết cấu kiến trúc bộ vì tầng hai được làm theo kiểu giá chiêng. 

Trung tâm tầng hai là một bệ thờ gỗ, được chia làm nhiều ô, mỗi ô là một đề tài trang trí khác nhau. Trên bệ thờ là tượng Phật Bà Quan  m nghìn mắt nghìn tay. Tượng được đặt trên bệ tròn, chạm hình mây và hoa cúc mãn khai. Phía dưới là bệ đỡ chia làm 5 cấp chính, mỗi cấp là một đề tài trang trí: hình hoa văn hình triện rút, hoa cúc dây, hình lá đề, hoa sen và vân xoắn...Tượng Phật Bà được tạo tác bằng chất liệu gỗ. Tượng trong tư thế hàng ma tọa, hai chân khoanh tròn, tay kết ấn. Khuôn mặt tượng phúc hậu với đôi mắt khép hờ, miệng mỉm cười.

Đây là pho tượng cổ quý hiếm, là một trong ba kiệt tác đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn cổ ở Việt Nam. Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là hiện vật gốc độc bản, có hình thức thể hiện độc đáo, được các nghệ nhân xưa tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống hết sức công phu, tiêu biểu cho nền mỹ thuật đầu thế kỷ thứ XIX. Là pho tượng Phật có số lượng tay nhiều nhất Việt Nam hiện nay với 1.014 cánh tay. Đi kèm mỗi cánh tay là một con mắt được tạo tác tinh xảo trong lòng bàn tay và được chia ra thành nhiều tầng lớp khác nhau. Những cánh tay lớn của tượng không chỉ được tạc từ cánh tay chính, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng (gọi là tay Đảnh Hóa Phật) được chụm lại trên đỉnh mũ Thiên quan nâng đỡ đài sen và tượng Phật nhỏ. Điểm ấn tượng và độc đáo nhất của pho tượng này đó là có thêm một đôi tay Phổ Lễ ở phía sau lưng, tạo không gian mở đa chiều, hình tượng nghệ thuật vừa thân quen, vừa trang nghiêm về một vị thần thánh đầy linh nhiệm. Nét độc đáo và khác biệt nữa là phía trên đầu tượng, nơi đầu mũi của vầng hào quang chạm nổi các cuộn mây hình khánh kết hợp với những cánh tay nhỏ đan đều nhau uốn khum ra phía trước, tựa như cánh của con chim Khổng tước đang trong tư thế xà xuống che cho đức Phật. Phía dưới là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà ngồi giữa tọa thiền trên đài sen, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đứng trên đài sen hộ trì.

Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là hiện vật có giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu, là minh chứng rõ nét về quá trình tồn tại và phát triển, sự ảnh hưởng lâu dài của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ. Không chỉ là một tác phẩm mang ý nghĩa tôn giáo thông thường, pho tượng còn chứa đựng nhiều triết lý sâu xa, kỳ ẩn của nhà Phật; là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất. Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên pho tượng là minh chứng rõ nét phản ánh về tinh thần sáng tạo nghệ thuật, đặc trưng kỹ thuật trong tạo tác tượng của những nghệ nhân dân gian xưa, khiến cho pho tượng trở thành vốn quý trong nền nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam./. Pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đã được công nhận Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ - TTg ngày 24/12/2018, của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tại Tam quan còn treo một quả chuông đồng có kích thước cao 1m; đường kính miệng 0,52m. Trên thân chuông ghi dòng niên đại vào năm Minh Mệnh tam niên (1822). Bốn mặt thân chuông còn khắc minh văn bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi cảnh đẹp vùng đất và quang cảnh của ngôi chùa.

Tiền đường

Cách Tam quan nội một khoảng sân lát gạch đỏ là đến tòa Tiền đường. Tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói ta, đường bờ nóc đắp gờ nổi, giữa trung tâm bờ nóc đắp một biển hình chữ nhật đề bốn chữ Hán. Đầu bờ nóc làm dạng đầu đinh, bên trong còn có đôi kìm ngậm đầu bờ nóc.

Đường bờ giải xây kiểu giật cấp về phía cuối mái. Toàn bộ sức nặng của phần mái được đỡ trên hệ thống tường bao và các bộ vì. Các bộ vì được kết cấu kiểu vì giá chiêng và trốn hàng cột phía trước để mở rộng không gian cho lòng nhà. Các cấu kiện gỗ chủ yếu được bào trơn đóng bén, riêng các con rường chạm khắc hoa văn sóng nước, hoa lá cách điệu. Ngăn cách giữa lòng nhà và hiên là hệ thống cửa bức bàn. Hai gian đầu hồi trổ cửa sổ trang trí hình chữ Thọ để lấy ánh sáng tự nhiên cho Tiền đường. Cánh cửa bằng gỗ nguyên bản, bào trơn đóng bén không chạm khắc hoa văn. Nâng đỡ bẩy hiên là hàng cột hiên vững chắc.

Phía trên gian trung tâm Tiền đường treo bức đại tự nền son, chữ vàng, trang trí hoa văn tứ quý, khắc ghi chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của đức Phật. Bên dưới là bức cửa võng sơn son thếp vàng, chạm thủng tích hoa phù dung và chim trĩ. Hai gian bên treo bức cuốn thư nền đen, chữ vàng, đường diềm trang trí hoa dây, cúc mãn khai. Khắc ghi chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của hai vị Thánh Hiền và Đức Ông đối với sự phát triển của Phật giáo. Trên cột treo đôi câu đối phẳng, nền vàng, chữ đen, trang trí hoa dây, khắc ghi chữ Hán có nội dung ca ngợi đức Phật.

Thượng điện

Nối tiếp tòa Tiền đường là 3 gian dọc Thượng điện. Kết cấu các bộ vì được làm theo kiểu vì giá chiêng đơn giản, không trang trí hoa văn. Gian thứ hai Thượng điện có treo bức cuốn thư đề 3 chữ Hán “Diễn Phúc tự” (Chùa Diễn Phúc). Phía dưới cuốn thư là bức cửa võng sơn thếp vàng chạm khắc đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên cửa võng trang trí tứ linh xen lẫn với hoa cúc dây. Tại đây đặt ban thờ Tam bảo.

Phía bên phải Tam bảo là ban thờ Quan Âm Chuẩn đề. Tượng tạo tác với mười tám cánh tay xòe ra hai bên và một đôi tay kết ấn trước ngực. Cánh tay của Phật Mẫu Chuẩn Đề được cho là thể hiện mười tám công đức đạt được phật tính. Bên trái Tam bảo là ban thờ Đức Đại Thế Chí. Tượng ngồi trên đài sen, đầu đội mũ, tay kết ấn để trên lòng đùi. Đại Thế Chí là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sinh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đức Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng, đại lực, đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sinh kiên cường.

Nhà Tổ

Nằm về phía bên phải chùa là nhà Tổ 9 gian mới được xây dựng theo lối cổ truyền thống. Nhà Tổ có kết cấu kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, đường bờ nóc làm thành gờ nổi, đường bờ giải xây giật cấp. Phía trước hai đầu hồi dựng cột trụ. Thân cột vuông, trên ô lồng đèn đắp biểu tượng tứ linh, đỉnh cột đắp hình bốn con phượng chúc đầu xuống đuôi ngược chổng lên trên và chụm vào nhau thành hình trái dành dành. Kết cấu vì tòa này được làm kiểu giá chiêng con nhị đơn giản kê lên quá giang nối hai đầu cột cái. Nhà Tổ được trang trí bởi các bức cửa võng, chia ô, chạm thủng các biểu tượng tứ linh, tứ quý và các bức đại tự, câu đối sơn thếp, trang trí hoa dây, tứ quý, khắc ghi chữ Hán có nội dung ca ngợi đức Phật. Gian trung tâm đặt ban thờ vị sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma và các vị sư trụ trì tại chùa.

Nhà Mẫu

Nằm bên phải phía trước chùa là nhà Mẫu có kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế 5 gian làm kiểu chồng diêm với hai tầng mái. Mái lợp ngói ta, đường bờ nóc làm gờ nổi, đầu bờ là đôi kìm ngậm, đuôi kìm cuộn xoắn hình đám mây. Đường bờ dải đắp gờ nổi chạy thẳng xuống ăn vào ô lồng đèn của trụ biểu. Phần cổ diêm trang trí hoa văn long vân, hoa lá. Gian giữa cổ diêm tạo thành tầng mái với bốn mái đao hình đầu rồng ngẩng cao, bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bám đầu bờ nóc.

Phía trước Tiền tế mở ra ba luồng cửa tại gian trung tâm, hai gian hồi bít đốc chỉ làm ô cửa sổ hình tròn trang trí chữ Thọ. Cánh cửa làm bằng gỗ kiểu thượng song hạ bản (trên chấn song con tiện, phía dưới nguyên bản). Cánh cửa không trang trí hoa văn. Các bộ vì tòa này kết cấu đơn giản theo kiểu vì kèo quá giang. Gian giữa đặt ban thờ công đồng. Hai gian bên phải đặt ban thờ Đức Trần Triều. Tượng Trần Triều tạo tác trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, tay để lên đùi. Gian bên trái là động Sơn Trang, đây là nơi Bà chúa rừng xanh và quần tiên ngự trị.

Nối với Tiền tế là Hậu cung được làm kiểu vòm cuốn đơn giản. Hậu cung là nơi đặt ban thờ Tam toà Thánh Mẫu. Tam tòa Thánh mẫu là ba vị mẫu bản địa gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa và Mẫu Thoải. Đây là ba vị mẫu chủ thể đại diện cho ba cõi là trời, đất và nước. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi hàng ngang với ba màu áo khác nhau. Phía dưới là ngũ vị Tôn Ông và các ngài quan Hoàng. Gian bên phải là ban thờ Bà Chúa Sơn Trang.

Nhìn chung, chùa Mễ Sở có kết cấu tương đối đồng bộ, các cấu kiện làm bằng gỗ vững chắc. Tại chùa còn lưu giữ một số hiện vật đồ thờ tự có giá trị như: đại tự, câu đối, cửa võng, chuông đồng, bát hương và hệ thống tượng thờ với kỹ thuật tạo tác đa dạng.

Chùa Mễ Sở được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Chia sẻ

Thảo luận (0)

Hình ảnh

Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai

Danh sách

Lân đá

Chuông đồng

Tháp thờ tổ

Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn

Tượng

Tượng

Tượng

Tượng

Tin mới

Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole bằng VR3D
Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole bằng VR3D
Tham quan ảo|28/07/2024

Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo. Trong quá trình cải tạo Bamboo Bar của khách sạn danh tiếng Sofitel Legend Metropole Hà Nội, đội thi công tình cờ phát hiện mái của một hầm trú ẩn bị chôn vùi đã lâu. Vào tháng 8-2011, khi đào sâu hơn hai mét vào lòng đất, đội thi công đã chạm phải khối bê tông cốt thép kiên cố.

Lời giới thiệu từ đội ngũ Danh gia sử ký
Lời giới thiệu từ đội ngũ Danh gia sử ký
Lời giới thiệu|28/07/2024

Chào mừng bạn đến với "Danh gia sử ký" , Bảo tàng số gia đình, một nơi đặc biệt mang trong mình giá trị vô giá của gia đình và dòng họ. Trong thời đại công nghệ số phát triển, việc lưu giữ và truyền tải di sản văn hóa dòng họ qua nhiều thế hệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương
Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương
Lịch sử|28/07/2024

Trong trận đánh kéo dài từ ngày 28/6 – 16/9/1972, hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng đã hi sinh trong tòa thành lịch sử. Rất nhiều người trong số đó mới ở độ tuổi 18, đôi mươi, là những chàng sinh viên “gác bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Tộc ước - gia pháp
Tộc ước - gia pháp
Lời giới thiệu|12/07/2024

Để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường mối quan hệ tình cảm huyết thống, thế thứ họ hàng của dòng Họ Nguyễn, phù hợp với xã hội mới, nền văn hoá mới của đất nước. Đồng thời để kết hợp hài hoà giữa việc tổ chức sinh hoạt dòng họ với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống trong địa bàn dân cư”

Ưu điểm của việc số hóa gia phả trong việc bảo tồn di sản gia đình.
Ưu điểm của việc số hóa gia phả trong việc bảo tồn di sản gia đình.
Văn hóa|28/03/2024

Số hóa gia phả mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, giúp lưu giữ những câu chuyện, truyền thống và giá trị văn hóa quý báu của gia đình qua các thế hệ. Hãy cùng khám phá những lợi ích không thể phủ nhận của việc số hóa gia phả trong bài viết dưới đây.