Đền Nhuế Dương
Đền Nhuế Dương tọa lạc ở trung tâm thôn Lê Lợi, xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Xưa kia, thôn Lê Lợi còn có tên gọi là Nhuế Dương cho nên nhân dân địa phương lấy tên địa danh hành chính của thôn Nhuế Dương đặt cho di tích.
Căn cứ vào thần tích, sắc phong và thông qua truyền ngôn của các vị cao niên trong thôn cho biết đền Nhuế Dương được xây dựng lên để tôn thờ các vị Thành hoàng: Linh Lang Đại vương thời Hùng vương, Triệu Việt Vương và Đô Thống Đại vương triều Lý. Các vị là người có công giúp vua đánh giặc, đem lại cuộc sống ấm no cho đất nước. Khi đất nước không còn quân giặc, các vị lại giúp dân cấy trồng, buôn bán, dạy dân các phong tục tập quán tốt đẹp. Với công lao to lớn như vậy, khi mất các vị được dân làng lập đền thờ và suy tôn làm Thành hoàng.
Tương truyền, đền được khởi dựng từ sớm, qua thời gian di tích đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Lần trùng tu, tôn tạo gần đây nhất là vào thời Nguyễn niên hiệu Bảo Đại năm Kỷ Tị (1925). Hiện nay, ngôi đền còn giữ được gần như nguyên vẹn các nét kiến trúc thời Nguyễn.
Đền Nhuế Dương có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam gồm các tòa Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Mặt tiền đền hướng Nam nhìn ra đình Nhuế Dương. Xung quanh đền là khu dân cư quần tụ, đông đúc. Các hạng mục kiến trúc được làm bằng gỗ tương đối vững chắc. Toàn bộ vật liệu để dựng lên ngôi đền bao gồm gạch, gỗ, ngói, vôi vữa,….
Cảnh quan sân vườn
Khuôn viên đền Nhuế Dương tuy không rộng nhưng thoáng mát. Toàn bộ phần đất trước đền được làm sân, lát gạch nay đã phủ màu rêu. Trên sân trồng một số cây cảnh và cây lâu niên tạo không gian cảnh quan, bóng mát cho di tích. Nằm đối diện hai bên sân là ngôi miếu nhỏ một gian với kết cấu kiến trúc đơn giản. Miếu được dựng lên để thờ các vị Quan bản thổ.
Nghi môn (cổng đền)
Nghi môn đền dựng vào thời Nguyễn, được làm bao kín phía trước sân dưới dạng trụ biểu. Hai trụ lớn đứng ở trung tâm mở ra cửa đi. Đế trụ thắt bồng, thân cột vuông trên thân khắc câu đối bằng chữ hán (chữ đã bị mờ không đọc được). Trên ô lồng đèn đắp nổi biểu tượng tứ linh, đỉnh cột tạo tác biểu tượng rồng cuộn thành hình lá lật. Cách cửa phụ và cửa chính là bức tường lửng trang trí thông phong biểu tượng chữ thọ. Cửa phụ làm kiểu chồng diêm hai tầng mái đao hình đầu rồng ở tầng dưới và đao cuộn ở tầng trên. Hai bên đầu bờ nóc là đôi kìm ngậm bám vào. Cổ diêm phần trên đắp tứ linh, long vân; tầng dưới đắp người và cảnh vật theo tích cổ. Phía bên ngoài cửa phụ đặt hai cột trụ nhỏ hơn cột chính, đỉnh cột đắp đôi lân chầu nhìn nhau.
Tiền tế
Đền Nhuế Dương gồm 5 gian 2 dĩ làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, đường bờ nóc làm gờ nổi, trên gờ đắp lưỡng long chầu hổ phù ngậm chữ thọ đội mặt nhật. Hai đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bám vào. Đuôi kìm cuộn tròn dựa vào đầu đinh. Đường bờ giải xây dật cấp chạy đến cuối đầu mái nối với cột trụ. Cột trụ thân vuông, trên thân đắp câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi công thần, ô lồng đèn không trang trí hoa văn, đỉnh cột đắp đôi nghê chầu nhìn nhau như kiểm soát kẻ hành hương.
Qua 3 bậc tam cấp vào hè hiên. Mái hiên được nâng đỡ bằng hệ thống bẩy hiên và hoành mái. Bẩy hiên một đầu ăn mộng vào cột quân ẩn trong khung cửa bức bàn, một đầu bám vào cột hiên. Bẩy hiên được chạm nổi hoa văn hình đầu rồng và hoa văn hình lá cách điệu xen kẽ nhau.
Toàn bộ tường trước Tiền tế được kết cấu bằng gỗ và mở ra 5 luồng cửa. Cánh cửa được là kiểu bức bàn có trục xoay, cài then, dóng trốt. Bộ cánh cửa gian trung tâm làm kiểu thượng song hạ bản, các cánh cửa còn lại làm nguyên bản không chạm khắc hoa văn. Mỗi bộ cửa đều được nằm xen kẽ nhau trong hệ thống cột quân. Hai dĩ được chắn bằng bức tường phía trước, mở ra ô cửa sổ tròn trang trí chữ Thọ. Hai đầu hè hiên đặt pho tượng linh canh cửa trong tư thế đứng, mặc áo giáp, đầu đội mũ, tay cầm binh khí.
Kết cấu bộ khung chịu lực Tiền tế làm bằng gỗ, được nâng đỡ bằng hệ thống hai hàng cột cái, hai hàng cột quân và hàng cột hiên vững chắc. Các bộ vì kết cấu xen kẽ giữa vì giá chiêng con nhị nằm sát vì hồi và cốn mê. Bố cục vì giá chiêng như sau: trên cùng là thượng lương, dưới thượng lương là con rường, dưới rường là trụ trốn và con rường cụt. Toàn bộ phần trên được đặt lên câu đầu ăn mộng vào cột cái. Các con rường cạm nổi hoa văn cách điệu hình sóng nước. Bên dưới câu đầu nối vào cột là đầu dư được chạm khắc biểu tượng Lý ngư hóa rồng. Những bộ vì còn lại làm kiểu cốn mê được kết cấu như sau: Trên cùng là thượng lương, phía dưới thượng lương là bức cốn được nâng đỡ bằng câu đầu ăn mộng vào cột cái. Hai mặt cốn chạm nổi tứ linh, long vân, hổ phù ngậm chữ thọ bao trùm hết mặt cốn. Đôi câu đầu gian trung tâm chạm nổi long vân cách điệu hình hổ phù đội mặt nhật (bộ vì bên phải không còn mặt nhật). Dưới câu đầu là đầu dư có hình đầu rồng với khuôn mặt rất dữ ăn mộng vào cột cái.
Toàn bộ vì nách kết cấu kiểu chồng rường. Các con rường được xếp chồng lên nhau thành các bức cốn và thu hẹp dần về phía hoành mái. Hai đầu vì ăn mộng vào cột cái và cột quân. Mỗi một bức cốn mặt trước chạm nổi, bong kênh biểu tượng tứ linh (long, lân, quy, phượng) với các tư thế, vị trí khác nhau nhưng rất sống động. Kỹ thuật tạo tác lúc thì mạnh mẽ, nhưng cũng có lúc mềm mại, uyển chuyển làm cho người xem cuốn hút, mà không cảm thấy nhàm chán. Đây cũng là sự tinh tế, tài ba của các nghệ nhân đương thời. Mặt sau bức cốn chạm biểu tượng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), hoa lá, chim muông. Tuy cách thức chạm khắc không nhiều như mặt trước song cũng thấy được sự hài hòa, tinh tế trong từng đường nét hoa văn.
Tiền tế trưng bày hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng sơn thếp vàng, trang trí tứ linh, long vân, hoa dây, biểu tượng ngũ phúc, lưỡng long chầu nhật, phù dung chim trĩ,..Câu đối, đại tự khắc ghi chữ Hán có nội dung ca ngợi công thần.
Gian trung tâm đặt ban thờ công đồng để thờ những người có công với làng với nước. Nhang án làm bằng gỗ, sơn thếp vàng, trang trí hoa dây, lưỡng long chầu nhật, trên bao lơn chạm hình con rồng. Nhang án đặt một số đồ thờ tự như ngai thờ, bát hương, hạc thờ, đỉnh đồng,…
Trung Từ
Trung từ cách Tiền tế một khoảng sân nhỏ lát gạch đỏ. Trung từ gồm 3 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Mặt trước mở ra ba luồng cửa bức bàn kiểu trụ xoay, cài then dóng chốt. Cánh cửa nguyên bản không chạm khắc hoa văn.
Các bộ vì được kết cấu kiểu giá chiêng con nhị kê trên hàng cột cái. Các con rường chạm khắc hoa văn đơn giản. Phái ngoài hiên trung từ đặt ban thờ. Nhang án làm bằng gỗ, các mặt chạm hoa dây, long vân, tứ linh,..Trên nhang án để một số đồ thờ tự như bát hương, chân nến, lọ hoa,..đặt một giá kiệu long đình, sập thờ, bát hương, chân nến, hạc thờ,..
Hậu cung
Hậu cung hay còn gọi là cung cấm được tu sửa năm 1988. Đây là nơi linh thiêng để thờ các vị Thành hoàng. Hậu cung gồm 3 gian tường hồi bít đốc. Toàn bộ tường trước làm bằng gỗ mở ra 3 luồng cửa bức bàn có trụ xoay, cài then dóng chốt. Cánh cửa nguyên bản không trang trí hoa văn. Phía trên cửa làm kiểu chấn song con tiện tạo sự thông thoáng cho bên trong Hậu cung.
Các bộ vì Hậu cung kết cấu kiểu vì kèo quá giang đơn giản không chạm khắc hoa văn. Gian trung tâm đặt ban thờ ban vị Thành hoàng Linh Lang Đại vương. Triệu Việt Vương và Phan Công Tôn thần. Trên ban thờ đặt ba bộ ngai và bài vị sơn thếp vàng. Ngai có đế kiểu chân quỳ dạ cá, mặt hổ phù ngậm chữ thọ; thân ngai làm kiểu chấn song con tiện chạm long vân; tay ngai hình thân và đầu rồng ngẩng cao. Bài vị đế vuông; đường diềm thân chạm hình đao lửa, long vân và hoa dây, giữa thân khắc ghi tên vị của Thành hoàng bằng chữ Hán; chán bài vị hình mặt nhật. Ngoài ra, trên ban thờ còn để một số đồ thờ tự như: Bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, chân nến,…
Nhìn chung, kiến trúc đền Nhuế Dương tương đối đồng bộ, các mảng chạm khắc hoa văn tập chung chử yếu ở tòa Tiền tế với nhiều chủ đề khác nhau như tứ linh, tứ quý, hổ phù, rồng ổ,..kỹ thuật chạm khắc rất tinh tế trên tường đường nét. Với các phương pháp chạm bong kênh, chạm nông, chạm sâu rất hài hòa lột tả hết ý của nghệ nhân muốn gửi gắm vào từng bức chạm. Đây là điều đặc trưng của phong cách điêu khắc thời Nguyễn.
Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ một số hiện vật đồ thờ tự có giá trị như: đại tự, câu đối, bát hương, thần tích, sắc phong,… đây là những hiện vật, đồ thờ có giá trị cần được bảo lưu gìn giữ.
Đền Nhuế Dương, xã Nhuế Dương được xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định Số 1568-QĐ/BT, ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Bộ trưởng bộ Văn hóa.
Đình Nhuế Dương
Đình Nhuế Dương có tên cổ là đình Chợ. Ngoài ra, đình còn được gọi với tên Nôm là đình Chợ vì trước đây, tại sân đình dân cư trong vùng thường đem hàng hóa ra đây trao đổi, buôn bán. Về sau, việc họp chợ buôn bán đước chuyển đi chỗ khác song để ghi dấu nơi đây từng diễn ra cảnh buôn bán tập lập nên nhân dân quen gọi di tích là đình Chợ.
Từ năm 1943 - 1944, đình là nơi hội họp của Mặt trận Việt Minh để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng tới quần chúng nhân dân nhằm chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cũng tại nơi này, đội tự vệ du kích của xã nhà được thành lập.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Mặt trận Việt Minh, đội tự vệ và quần chúng cách mạng của Nhuế Dương tập trung tại đây để đi cướp chính quyền tại tỉnh lỵ Khoái Châu sau đó tuyên bố xóa bỏ chế độ phong kiến, thành lập chính quyền lâm thời của xã. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền lâm thời đã đề ra các biện pháp xóa đói, xóa mù chữ cho nhân dân,...
Ngay tại sân đình đội thanh niên của xã tình nguyện xin tòng quân giết giặc. Trong làng, không khí chuẩn bị kháng chiến như mua sắm vũ khí, rào làng chiến đấu, dân quân du kích ngày đêm luyện tập, những lớp học bổ túc được mở ngay tại di tích.
Từ năm 1949 - 1951, đình là nơi Quân y viện sử dụng để chữa chạy, nuôi dưỡng các chiến sĩ bị thương. Năm 1952 - 1954, đình được dùng làm chứa lương thực cho bộ đội.
Ngày nay, di tích dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong thôn, vào mỗi dịp hội hè, đình đám dân trong vùng lại về đây chiêm bái cầu mong cuộc sống an lành.
Tương truyền, đình Nhuế Dương được khởi dựng từ sớm, qua thời gian di tích đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Lần trùng tu, tôn tạo gần đây nhất là vào thời Nguyễn niên hiệu Duy Tân năm Tân Hợi (1901). Hiện nay, di tích còn giữ được gần như nguyên vẹn các nét kiến trúc thời Nguyễn.
Khuôn viên đình Nhuế Dương tuy không rộng nhưng thoáng mát. Toàn bộ phần đất trước đình được làm sân, lát gạch đỏ. Trên sân trồng một số cây cảnh và cây lâu niên như: cây đa, cây hoa đại,…tạo không gian cảnh quan, bóng mát cho di tích.
Nghi môn (cổng đền)
Nghi môn nằm trước sân giáp với đường giao thông. Nghi môn làm dưới dạng trụ biểu. Hai trụ lớn đứng ở trung tâm mở ra cửa chính. Đế trụ thắt bồng, thân cột vuông trên thân khắc câu đối bằng chữ hán có nội dung ca ngợi công thần. Trên ô lồng đèn đắp nổi biểu tượng tứ linh, đỉnh cột đắp bốn con rồng chụm đuôi vào nhau, đầu trúc xuống phía dưới thành hình lá lật. Cách cửa phụ và cửa chính là bức tường lửng trang trí biểu tượng long vân. Cửa phụ làm kiểu chồng diêm hai tầng mái đao cách điệu. Hai bên đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bám vào. Cổ diêm đắp chữ Hán. Phía bên ngoài hai bên cửa phụ đặt cột trụ nhỏ hơn cột chính. Đến thắt, thân cột vuông, trên thân đắp chữ Hán, ô lồng đèn trang trí biểu tượng tứ quý, đỉnh cột đắp phượng lá lật.
Tòa Đại bái
Đình Nhuế Dương gồm 5 gian 2 chái làm kiểu bốn mái lòng thuyền, mái lợp ngói ta, đường bờ nóc làm gờ nổi, ở giữa đắp biểu tượng Lý ngư vọng nguyệt (hai con cá chép chầu mặt nguyệt), mặt trước gờ nổi trang trí hoa văn. Hai đầu bờ nóc đắp đôi rồng uốn lượn đầu ngẩng cao. Đường bờ giải chạy thẳng, gấp khúc ở giữa mái rồi chạy xuống đầu bờ mái tạo thành đao mái với biểu tượng rồng mớm phượng. Giữa đường gấp khúc đắp con sô chầu nhìn nhau. Hai đầu hồi trang trí long vân, dưới vùng tam giác đắp người và cảnh vật trong tích cổ.
Qua 3 bậc tam cấp đến hè hiên. Mái hiên được nâng đỡ bằng hệ thống bẩy hiên và hoành mái. Bẩy hiên một đầu ăn mộng vào cột quân ẩn trong khung cửa bức bàn, một đầu bám vào cột hiên. Trên mỗi bẩy hiên chạm hoa văn khác nhau trong đề tài tứ quý như (tùng, cúc, trúc, mai), hoa dây cách điệu,..
Toàn bộ tường trước đại bái được kết cấu bằng gỗ, tường sau để trống tạo không gian thông thoáng cho tòa Đại Bái. Tường trước mở ra 5 luồng cửa, mỗi cửa gồm 4 cánh. Cánh cửa được làm kiểu bức bàn có trục xoay, cài then, dóng trốt. Bộ cánh cửa gian trung tâm làm kiểu thượng song hạ bản (trên chấn song dưới nguyên bản), các cánh cửa còn lại làm nguyên bản không chạm khắc hoa văn. Mỗi bộ cửa đều được nằm xen kẽ nhau trong hệ thống cột quân. Hai dĩ được chắn bởi bức tường phía trước. Phần bên trên cửa làm kiểu chấn song con tiện đơn giản, tạo không gian thông thoáng để đón ánh sáng từ bên ngoài vào.
Kết cấu bộ khung chịu lực tòa Đại bái làm bằng gỗ, được nâng đỡ bằng hệ thống hai hàng cột cái, hai hàng cột quân và hàng cột hiên vững chắc. Các bộ vì kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường con nhị và cốn mê. Bộ vì giá chiêng chồng rường con nhị nằm về phía hai hồi có bố cục như sau: Trên cùng là thượng lương, dưới thượng lương là con rương dưới hai con rường là trụ trốn và con rường cụt. Toàn bộ phần trên được đặt lên câu đầu ăn mộng vào cột cái. Các con rường chạm nổi hoa văn cách hình lá cách điệu và cành đào biểu tượng cho ngũ phúc. Trên câu đầu chạm cây và hoa sen. Bên dưới câu đầu nối vào cột là đầu dư được chạm khắc biểu tượng Lý ngư hóa rồng. Những bộ vì còn lại làm kiểu cốn mê được kết cấu như sau: Trên cùng là thượng lương, phía dưới thượng lương là bức cốn được nâng đỡ bằng câu đầu ăn mộng vào cột cái. Hai mặt cốn chạm nổi tứ linh, long vân, hổ phù ngậm chữ thọ bao trùm hết mặt cốn. Câu đầu chạm lưỡng long chầu nhật, mặt dưới chạm nổi long vân. Dưới câu đầu là đầu dư có hình đầu rồng với khuôn mặt rất dữ ăn mộng vào cột cái.
Toàn bộ vì nách kết cấu kiểu chồng rường. Các con rường được xếp chồng lên nhau thành các bức cốn và thu hẹp dần về phía hoành mái. Hai đầu vì ăn mộng vào cột cái và cột quân. Mỗi một bức cốn mặt trước chạm nổi, bong kênh biểu tượng tứ linh (long, lân, quy, phượng) với các tư thế, vị trí khác nhau nhưng rất sống động. Kỹ thuật tạo tác lúc thì mạnh mẽ, nhưng cũng có lúc mềm mại, uyển chuyển làm cho người xem cuốn hút, mà không cảm thấy nhàm chán. Đây cũng là sự tinh tế, tài ba của các nghệ nhân đương thời.
Mặt sau bức cốn chạm biểu tượng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), hoa lá chim muông. Tuy cách thức chạm khắc không nhiều như mặt trước song cũng thấy được sự hài hòa, tinh tế trong từng đường nét hoa văn. Trên xà nối các cột quân với nhau ở phía sau, được trang trí bằng các bức phù điêu chạm nổi hoa văn theo tích cổ đồ như: Bầu rượu, tíu thơ, sách, bút,..
Hậu cung
Hậu cung hay còn gọi là cung cấm đây là nơi linh thiêng để thờ các vị Thành hoàng. Xưa kia, hậu cung rất lớn, kiến trúc bằng gỗ, trong thời kỳ kháng chiến bị thực dân Pháp bắn phá, nhân dân lấy gạch làm đường giao thông, hầm trú ẩn. Năm 2005, nhân dân tiến hành khôi phục lại. Hậu cung gồm 3 gian tường hồi bít đốc. Toàn bộ tường trước làm bằng gỗ mở ra 3 cửa đi vào cung cấm.
Các bộ vì Hậu cung kết cấu kiểu vì kèo quá giang đơn giản không chạm khắc hoa văn. Gian trung tâm đặt ban thờ ban vị Thành hoàng Linh Lang Đại vương, Triệu Việt Vương và Phan Công Tôn thần. Trên ban đặt ngai thờ sơn thếp vàng. Ngai có đế kiểu chân quỳ dạ cá, mặt hổ phù ngậm chữ thọ; thân ngai làm kiểu chấn song con tiện chạm long vân; tay ngai hình thân và đầu rồng ngẩng cao. Ngoài ra, trên ban thờ còn để một số đồ thờ tự như: Bát hương, chân nến, lọ hoa,…
Đình Nhuế Dương, xã Nhuế Dương được xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định Số 1568-QĐ/BT, ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Bộ trưởng bộ Văn hóa.
Lễ hội tưởng nhớ công lao của Triệu Việt Vương được mở vào ngày 14/1 đến ngày 15/1 âm lịch. Từ đền Nhuế Dương rước qua đình Nhuế Dương đến đền Mỹ Giang công chúa và rước ra bến sông Hồng lấy nước sau đó quay ngược trở lại theo đường cũ về đình Nhuế Dương. Lễ vật dâng thánh gồm có: thủ lợn, gà, Xôi, oản, mâm hoa quả, rượu...Trong lễ hội diễn ra một số trò chơi dân gian đặc sắc như: Đánh vật, đánh gậy...cùng với nhiều loại nghệ thuật cổ truyền như: chèo, tuồng.