Chia sẻ

Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật

05/04/2024

Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật (1844 - 1926) - Nhà yêu nước, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất và có tiếng vang lớn nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong phong trào "Cần Vương" chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, ông cũng là một người con ưu tú của quê hương Mỹ Hào - Hưng Yên.

Đây là một di tích lưu niệm danh nhân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên do Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng, tọa lạc trên mảnh đất Xuân Nhân - nơi đặt trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa, thuộc địa phận xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 25/5/1926. Phần mộ của ông được đặt tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Việc đi tìm di cốt người anh hùng Bãi Sậy trên đất nước Trung Quốc đã được đề cập trong Hội thảo về việc xây dựng nhà tưởng niệm danh nhân Nguyễn Thiện Thuật tại quê hương ông. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đồng tình với ý tưởng ấy và quyết định giao cho ngành Văn hóa tỉnh tổ chức thực hiện.

Cuối tháng 4 năm 2004, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Đoàn công tác do Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Hào, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Xuân Dục và đại diện dòng họ - hậu duệ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật sang thành phố Nam Ninh thực hiện việc di chuyển di cốt Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật về quê hương Xuân Dục.

Ngày 30/01/2005, di hài cụ Tán Thuật đã được di chuyển an toàn về an táng tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Lễ dâng hương tưởng niệm và an táng di hài cụ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống, có khoảng trên 2000 người tham dự và dâng hương. Nhân dân địa phương và đặc biệt là các thế hệ trong dòng họ, hậu duệ của cụ Tán Thuật chứng kiến buổi lễ không giấu nổi xúc động xen lẫn tự hào về một nhà yêu nước của quê hương đã xả thân vì nghĩa lớn.

Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2003 và hoàn thiện vào năm 2005, trong một khuôn viên với tổng diện tích 1621,9m2, gồm nhiều hạng mục công trình: Cây đề cổ thụ, cổng, nhà tưởng niệm, nhà bia, phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và bức tường phù điêu. Về tổng thể, các hạng mục công trình mang phong cách kiến trúc truyền thống, hòa hợp với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cổng khu di tích và Cây đề cổ thụ

Từ ngoài vào công trình đầu tiên mà du khách bắt gặp là Cổng khu lưu niệm. Cổng được xây gồm ba cửa. Cửa chính ở giữa xây cao và rộng hơn hẳn so với hai cửa phụ. Kết cấu kiến trúc của hạng mục này được làm theo kiểu bốn mái truyền thống, lợp ngói ta. Đường bờ nóc xây thẳng phủ áo vữa, không trang trí hoa văn. Kết thúc đường bờ nóc đắp hai con kìm dạng đầu rồng há miệng ngậm bờ nóc, không có thân, đuôi là một vân xoắn có dạng dấu hỏi “?” ngược lớn chạy từ đầu vươn ra phía sau. Đường bờ dải được xây vuông góc với đường bờ nóc không trang trí hoa văn. Cuối bờ dải là các đao mái uốn cong mềm mại.

Phía trước cổng là Cây đề cổ thụ, còn được gọi là Cây đề Tán Thuật, Cây đề Xuân Nhân, từng là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa. Cây có tuổi thọ chừng 300 đến 400 năm tuổi, cành lá xum xuê, tán xòe rộng phủ kín ngôi miếu cổ dưới gốc.

Trước kia, ngôi miếu hướng vào làng, dân làng làm lễ xin sửa sang ngôi miếu và quay sang hướng Nam, đắp vào một con đường nối hai làng Xuân Nhân và Xuân Đào. Ngày nay, cây đề đã được đắp gốc, quanh năm xanh tốt, thân cây cao lớn, đứng sừng sững như một nhân chứng lịch sử trước Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật.

Ngày 05/11/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đã ra Quyết định số 416/QĐ-SVHTTDL phê duyệt, công bố Danh mục cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cần được bảo vệ, chăm sóc, trong đó có Cây đề Xuân Nhân.

Nhà tưởng niệm

Từ cổng vào, qua khoảng sân nhỏ là đến khu thờ chính có kết cấu mặt bằng tổng thể kiểu chữ Nhất (一)gồm 03 gian, mặt tiền quay hướng Đông Bắc, kiến trúc đơn giản. Tại trung tâm của tòa nhà đặt một nhang án, trên ban thờ đặt di ảnh Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật cùng một số đồ thờ tự như: bát hương, đỉnh đồng, lọ hoa, hạc đồng,... Hình cụ Tán Thuật được thể hiện dưới dạng bán thân, đầu đội khăn xếp, mặc áo lương đen với vẻ mặt quắc thước tinh anh, hiền hậu mang phong thái của một nhà nho.

Trên tường hồi bên phải tòa nhà trưng bày một khung ảnh gồm 17 bức ảnh kích thước 15x10cm với nội dung "Một số hình ảnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (4/1883 - 4/1892)" do ông Vũ Thanh Sơn cung tiến.  Trên tường hồi bên trái trưng toàn nhà trưng bày một số hình ảnh chụp phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Nhà bia

Ngoài khu thờ chính ra, trong khuôn viên di tích còn có nhà bia. Nhà bia gồm một gian, được xây dựng theo kiểu hai tầng tám mái, lợp ngói mũi với các đầu đao cong tạo dáng mềm mại. Bộ khung chịu lực chính được làm bằng gỗ lim có tính chất cơ lý tốt, độ bền cao, chịu được mối mọt. Tòa này xây thông phong bốn mặt, không có tường bao, chỉ có hệ thống 8 cột nâng đỡ toàn bộ phần mái. Các cột đều có dáng thượng thu hạ thách, được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn và kê lên chân tảng đá có dạng trên tròn dưới vuông, chạm khắc hoa văn đơn giản. Trên thân cột treo đôi câu đối chữ Hán với nội dung ca ngợi công lao của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật với quê hương, đất nước. Câu đối dạng lòng máng, mặt trước cong khum, được sơn son thếp vàng. Hai đầu câu đối trang trí hình con rơi và quả đào. Giữa đề chữ Hán đen, xung quanh trang trí các chủ đề: tứ linh, hoa sen, khắc vạch, hoa dây,…

Giữa nhà bia dựng một tấm bia đá làm bằng chất liệu đá xanh nguyên khối. Thân bia hình chữ nhật. Trán bia hình cung, trang trí lưỡng long chầu nhật, vân mây. Trung tâm bia khắc chữ Quốc ngữ (một mặt) với nội dung khái quát về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của Tướng Quân Nguyễn Thiện Thuật. Bia do Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hưng Yên (khi đó là Nhà văn Nguyễn Phúc Lai) soạn nội dung và được dựng vào tháng 6 năm Qúy Mùi (2003).

Mộ Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và bức tường phù điêu

Phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật được đặt ở phía sau nhà bia. Đây là một công trình có dạng hình hộp chữ nhật, chiều dài 2,46m, chiều rộng 1,46m, chiều cao 0,9m được ốp nhiều phiến đá đen tự nhiên. Phía dưới đặt di cốt của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật được đưa từ Quảng Tây (Trung Quốc) về an táng vào đầu năm 2005.

Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng xi măng được sơn phủ ve màu gạch đã phai màu theo thời gian. Tổng thể bức phù điêu là một bức tranh thu nhỏ diễn tả các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật. Bức phù điêu có chiều dài 13m, chiều cao 2,7m, từ trái sang phải được chia thành 05 chủ đề nhỏ, mỗi chủ đề rộng khoảng 2 - 3m: Chủ đề 1: Diễn tả cảnh nghĩa quân trong những ngày đầu chiêu mộ lực lượng, rèn đúc vũ khí.

Chủ đề 2: Nghĩa quân Bãi Sậy thực hiện phương thức tác chiến đánh du kích, dựa vào địa thế vùng đầm lầy lau sậy um tùm vừa sản xuất lương thực, vừa chiến đấu. Hình ảnh nghĩa quân là những người nông dân áo vải với vũ khí thô sơ (chủ yếu là gươm đao) cùng những chiếc thuyền độc mộc hiện lên thật đẹp đẽ, bình dị.

Chủ đề 3: Nằm giữa trung tâm bức phù điêu là hình ảnh tướng quân Nguyễn Thiện Thuật mặc áo vải, đội khăn lương đen đang chỉ huy nghĩa quân tấn công quân giặc. Hình ảnh lá cờ bay phấp phới giữa mây trời lồng lộng, nghĩa quân tiến công với khí thế ngút trời phản ánh đây là giai đoạn cao trào của cuộc khởi nghĩa.

Chủ đề 4: Hình ảnh thực dân Pháp và bè lũ tay sai bị nghĩa quân tiêu diệt, phải bỏ chạy trong nỗi khiếp sợ. Trên thực tế, khởi nghĩa Bãi Sậy dưới sự lãnh đạo của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật đã gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại to lớn.

Chủ đề 5: Hình ảnh sum vầy, đoàn tụ, nghĩa quân trở về trong sự chào đón nồng hậu, trong nghĩa tình ấm áp của dân làng.

Tinh thần yêu nước, nghĩa khí, tài thao lược của tướng quân Nguyễn Thiện Thuật mãi mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của quê hương Hưng Yên. Nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho thế hệ trẻ để từ đó biết quý trọng, gìn giữ, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Với những giá trị trên, Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật, xã Xuân Dục, thị trấn Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3077/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

Chia sẻ

Thảo luận (0)

Hình ảnh

Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai
Bảo tàng số gia đình - Ghi lại quá khứ - Lưu giữ hiện tại - Viết tiếp tương lai

Danh sách

Bia tưởng niệm

Lăng mộ tướng quân

Bằng xếp hạng khu di tích Quốc gia

Tư liệu ghi lại việc nghĩa quân Bãi Sậy diệt trừ tên cai tổng, tổng Yên Lịch, phủ Khoái Châu

Tư liệu ghi lại tình hình hoạt động của Tán Thuật và Nghĩa quân Bãi Sậy ở huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào)

Tin mới

Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole bằng VR3D
Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole bằng VR3D
Tham quan ảo|17/04/2025

Khám phá hầm trú bom dưới khách sạn Metropole lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo. Trong quá trình cải tạo Bamboo Bar của khách sạn danh tiếng Sofitel Legend Metropole Hà Nội, đội thi công tình cờ phát hiện mái của một hầm trú ẩn bị chôn vùi đã lâu. Vào tháng 8-2011, khi đào sâu hơn hai mét vào lòng đất, đội thi công đã chạm phải khối bê tông cốt thép kiên cố.

Lời giới thiệu từ đội ngũ Danh gia sử ký
Lời giới thiệu từ đội ngũ Danh gia sử ký
Lời giới thiệu|28/07/2024

Chào mừng bạn đến với "Danh gia sử ký" , Bảo tàng số gia đình, một nơi đặc biệt mang trong mình giá trị vô giá của gia đình và dòng họ. Trong thời đại công nghệ số phát triển, việc lưu giữ và truyền tải di sản văn hóa dòng họ qua nhiều thế hệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương
Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương
Lịch sử|28/07/2024

Trong trận đánh kéo dài từ ngày 28/6 – 16/9/1972, hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng đã hi sinh trong tòa thành lịch sử. Rất nhiều người trong số đó mới ở độ tuổi 18, đôi mươi, là những chàng sinh viên “gác bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Tộc ước - gia pháp
Tộc ước - gia pháp
Lời giới thiệu|12/07/2024

Để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường mối quan hệ tình cảm huyết thống, thế thứ họ hàng của dòng Họ Nguyễn, phù hợp với xã hội mới, nền văn hoá mới của đất nước. Đồng thời để kết hợp hài hoà giữa việc tổ chức sinh hoạt dòng họ với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống trong địa bàn dân cư”

Ưu điểm của việc số hóa gia phả trong việc bảo tồn di sản gia đình.
Ưu điểm của việc số hóa gia phả trong việc bảo tồn di sản gia đình.
Văn hóa|28/03/2024

Số hóa gia phả mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, giúp lưu giữ những câu chuyện, truyền thống và giá trị văn hóa quý báu của gia đình qua các thế hệ. Hãy cùng khám phá những lợi ích không thể phủ nhận của việc số hóa gia phả trong bài viết dưới đây.