Làng Nôm, thuộc địa phận xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một ngôi làng trù phú với quần thể di tích lịch sử văn hóa độc đáo vẫn còn giữ nguyên những nét cổ kính của làng quê Việt Nam.
Quần thể di tích làng Nôm được chia thành hai phần rõ rệt:
- Không gian trong làng: được giới hạn từ phía hai cổng làng (cổng tiền và cổng hậu). Bên trong là các công trình văn hóa tín ngưỡng như: từ đường dòng họ, đình làng, ao, giếng làng, văn chỉ, đường làng,...
- Không gian ngoài làng: là khu vực nằm phía ngoài cổng làng bao gồm: giếng làng, cầu đá cổ kính hằng trăm năm tuổi bắc ngang qua dòng Nguyệt Đức dẫn tới khu chùa Nôm và chợ Nôm trước cửa chùa. Chợ và chùa Nôm là những công trình không chỉ thuộc riêng làng Nôm, mà còn là nơi giao lưu của các làng xung quanh đến chiêm bái và buôn bán.
Với đặc trưng của một làng truyền thống, không gian cảnh quan kiến trúc của Quần thể di tích làng Nôm chứa đựng nhiều diện hình không gian. Người làng Nôm truyền đời nhau rằng làng Nôm được cấu trúc theo dạng “hình thuyền” mà đã là thuyền thì phải bôn ba khắp nơi, trời lại đặt ở làng Nôm “một cái cân”, dọc cân là con đường xuyên giữa làng, cổng làng có cây đa hình mũ đồng cân, quả cân là mô đất cao phía Tây khu vực văn chỉ của làng. Bao bọc lấy Quần thể di tích làng Nôm là những rặng tre xanh kĩu kịt gió đưa, hàng rào ô rô, cúc tần, dâm bụt cùng con đường lát gạch được bó vỉa nằm nghiêng đã tồn tại với người làng Nôm từ bao đời nay.
Làng Nôm đón chào những vị khách gần xa bằng chiếc cổng làng cổ kính rêu phong. Các cụ cao niên trong làng cho biết, cổng làng có tuổi đời lên đến hơn 200 năm, do sự tàn phá của chiến tranh nên giờ đây cổng làng đã bị xuống cấp nhưng vẫn giữ được nhiều họa tiết tinh xảo; vòm cổng có dòng chữ: Đồng Cầu Nôm.
Qua cổng làng uy nghi là con đường lát gạch đỏ, chạy dài từ đầu cổng làng đến tận cây đa, giếng nước, sân đình. Giữa làng là một chiếc ao lớn, nước trong ao lúc nào cũng trong xanh, tĩnh lặng, tôn vẻ đẹp của làng Nôm mộc mạc, yên bình điển hình của làng quê Bắc Bộ.
Trung tâm làng Nôm với một quần thể di tích bao gồm đình làng Nôm (hay còn gọi là đình Tam Giang), cây đa, giếng nước, hệ thống các nhà thờ họ Nguyễn, Trần, Lê… cổ kính và uy nghi, quần tụ chung quanh hai bên ao làng. Những ngôi nhà này được xây dựng theo kiến trúc nhà năm gian truyền thống với vườn tược, sân nhà, nhà chính, nhà phụ, khu bếp, hàng rào bao quanh.
Đình Đại Đồng
Đình Đại Đồng (hay còn gọi là đình Nôm, đình Tam Giang) nằm ở phía Tây Bắc trong làng Nôm, sát cổng phía Tây. Đình thờ đức Thánh Tam Giang - một vị tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng, có công dẹp giặc cứu nước, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Hiện tại, đình có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Tam gồm các công trình chính: Đại bái - Trung từ (phương đình) - Hậu cung, đăng đối 2 bên là hai dãy Tả - Hữu vu, được
Đại bái: Đây là hạng mục có diện tích lớn nhất tại đình Đại Đồng gồm 05 gian được làm theo kiểu tường hồi bít đốc với kết cấu 4 hàng chân cột, các cột đứng trên chân tảng bằng đá xanh không trang trí hoa văn. Mặt nền lát gạch bát (30cm x 30cm), mạch chữ công. Ba gian giữa tòa Đại bái, mái lợp ngói ống theo phong cách kiến trúc của những ngôi đền, chùa hay các Hội quán Trung Hoa. Hai gian bên lợp ngói mũi hài. Trung tâm đường bờ nóc đắp nổi hình cá chép chầu nậm rượu tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương.
Nâng đỡ phần mái tòa Đại bái là các bộ vì và hệ thống cột kê lên chân tảng. Hệ thống vì nóc tòa Đại bái được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Hệ thống vì nách Đại bái được làm theo dạng “bán chồng rường”. Tất cả các cấu kiện kiến trúc đều làm bằng gỗ tứ thiết lim chắc khỏe, chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý trên các cốn, hoa văn lá lật, hoa dây, hoa lá cách điệu. Bên trong tòa Đại bái bài trí các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ tự (thời Nguyễn) có giá trị.
Trung từ: Đây là phần đặc sắc nhất của toàn bộ kiến trúc ngôi đình. Trung từ có cấu tạo hình vuông (9,35mx9,35m), theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Trên mái Trung từ trang trí hình tượng phượng tụ vỹ, đầu đao đắp tích long phượng kỳ duyên. Phần cổ diêm là những họa tiết hình rồng phượng tượng trưng cho sự giao hòa giữa đất và trời. Đầu dư đỡ kẻ trang trí hình khánh, đầu bẩy chạm rồng ngậm ngọc, ván dong chạm hình cá hóa phượng. Hệ thống các bộ vì nóc và vì nách tòa Trung từ được tạo tác giống với tòa Đại bái. Các bức cốn chạm thủng đề tài tứ linh, tứ quý. Trần Trung từ được làm bằng gỗ, trang trí đề tài rồng, phượng vô cùng sinh động.
Hậu cung: gồm 03 gian, kiến trúc con chồng đấu sen, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch đỏ. Phần tường và móng được gia cố vững chắc. Gian giữa làm hệ thống cửa “Thượng song hạ bản” trang trí đề tài tứ linh, tứ quý. Hậu cung là nơi đặt ban thờ Thành hoàng làng. Trên ban thờ đặt khám thờ, ngai và bài vị Thành hoàng. Khám thờ được chạm khắc cầu kỳ, tỷ mỷ mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn.
Hai dãy Giải vũ: Đăng đối 2 bên Trung từ là hai dãy Giải vũ, mỗi dãy gồm 03 gian. Đây là nơi sắp lễ, cũng là nơi xưa kia các quan viên, bô lão của làng ngồi nghị bàn việc chung. Xưa kia, việc ngồi họp tại đây cũng có sự phân định ngôi thứ rõ ràng, theo đó Tả vu dành cho các cụ cao tuổi ngồi phía trên và các chức danh ngồi phía dưới. Hữu vu dành cho những người ở độ tuổi từ 30 trở lên và quan viên được tế lễ khi làng có việc. Hệ thống các bộ vì nóc hai dãy Giải vũ được tạo tác theo kiểu chồng rường giá chiêng giống tòa Đại bái. Các cấu kiện trang trí hoa lá, vân mây, soi gờ chỉ.
Chùa Nôm
Chùa Nôm có tên chữ là “Linh thông cổ tự” (hay còn gọi là chùa Đại Đồng) là công trình kiến trúc phân bố ở khu vực ngoài làng, giáp với chợ Nôm. Hiện tại, chùa có kết cấu kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan, gác Chuông, gác Trống, sân chùa, tòa Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ. Đăng đối hai bên là hai dãy hành lang. Tam bảo chùa có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu “nội đinh ngoại quốc” gồm: Tiền đường - Thượng điện - Hai dãy hành lang. Đây là những thành phần kiến trúc bảo lưu gần như nguyên vẹn quy mô ban đầu của ngôi chùa. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có giếng nước cổ và khu vườn tháp, nhà Tổ, nhà khách, khu phụ trợ.
Tam quan: xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cổng chính giữa được làm vượt hẳn lên so với hai cổng phụ. Phần mái Tam quan với các đầu đao tạo tác kiểu hồi long vân cuốn. Các mái không rộng nhưng đều được lợp bằng ngói mũi hài, đường bờ nóc hình cong mui thuyền. Trung tâm đường bờ nóc cổng cái trang trí hình bánh xe xa luân. Phần cổ diêm cổng chính để thông phong, hai phía trong ngoài dựng lan can gỗ.
Gác Chuông và Gác Trống: là những hạng mục được xây dựng theo nguyên tắc “Tả Chung hữu Cổ” (bên trái treo Chuông, bên phải treo Trống) . Hai tòa này kiến trúc giống nhau, với hệ mái kiểu chồng diêm 3 tầng 12 mái, dựng trên nền hình chữ nhật, bao che xung quanh là hàng lan can gỗ con tiện. Nơi đây, treo một quả chuông lớn nặng gần 3 tấn và chiếc trống có đường kính tới 2,88m. Nằm giữa gác Chuông và gác Trống là một hồ nước hình chữ nhật. Hồ nước này giống như một “nội minh đường” án ngữ phía trước tòa Tiền đường.
Tiền đường: gồm 07 gian, kết cấu theo kiểu 4 hàng chân cột. Toàn bộ bốn phía xung quanh nền tiền đường đều được bó vỉa bằng gạch chỉ, phía ngoài phủ vữa áo, mái lợp ngói mũi hài. Các bộ vì nóc tòa Tiền đường được làm theo 02 dạng “chồng rường giá chiêng” ở gian giữa và kiểu “vì kèo cọc báng” ở các gian còn lại. Tại đây, kẻ được dùng thay cho vì nách. Bên trong tòa tiền đường bài trí hai pho tượng Hộ pháp cùng các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ tự có giá trị.
Thượng điện: gồm 04 gian nối vuông góc với tòa Tiền đường. Kết cấu gồm hai hàng cột cái, không có cột quân, các đầu kèo đều gối trực tiếp lên tường bao. Nền cùng cao độ với nền Tiền đường, lát gạch vuông (20cm x 20cm), mạch chữ công. Móng được bó vỉa bằng gạch chỉ, phía ngoài phủ vữa áo. Mái lợp bằng ngói mũi hài, đường bờ nóc xây thẳng tạo những đường gờ chạy song song. Đường bờ dải được xây vuông góc với đường bờ nóc theo kiểu giật cấp. Hệ thống tường bao che xây cao tới dạ tàu mái, phía trước để trống gian giữa thông với tòa Tiền đường. Mặt ngoài tường phía sau Thượng điện bố trí động thờ. Trong đắp hình non bộ cùng các thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Đỡ hoành mái là các bộ vì nóc được làm theo kiểu “vì kèo cọc báng”. Thượng điện là nơi bàitrí các lớp tượng thờ:
Lớp tượng thứ 1: Ba pho Tam Thế phật.
- Lớp tượng thứ 2: Bộ Di Đà Tam Tôn.
- Lớp tượng thứ 3: tượng Thích Ca Mâu Ni.
- Lớp tượng thứ 4: tượng Ngọc Hoàng, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu.
- Lớp tượng thứ 5: Tòa Cửu long Thích Ca sơ sinh.
Ngoài ra, tại Phật điện chùa Nôm còn bài trí các pho tượng Quan m Thiên thủ và Quan m tọa sơn cùng bộ Thập Điện Diêm Vương.
Hai dãy hành lang: Nối với hai gian cạnh của nhà Tiền đường là hai dãy hành lang chạy dọc song song hai bên sườn Thượng điện. Mỗi dãy hành lang gồm 10 gian (dài 20m x rộng 2,5m). Hệ thống vì nóc được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng” . Hành lang chùa Nôm là nơi bài trí các bộ tượng: Bát Bộ Kim Cương, Tứ vị Bồ Tát, Thập Bát La Hán (Thập Bát Tổ truyền đăng), tượng Đức Ông, tượng Trần Triều đều được làm bằng đất, mang phong cách mỹ thuật tạc tượng thế kỷ thứ XVII. Nằm về cuối hai dãy hành lang hai bên là ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng.
Điện Mẫu: được phục dựng vào năm Canh Thân niên hiệu Khải Định thứ 5 (1920). Bố cục mặt bằng tổng thể điện Mẫu hình chữ Nhị gồm hai tòa. Mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch bát (20x20) mạch chữ công. Tòa Tiền tế gồm 03 gian, hai đầu hồi được xây theo hình quai chảo ở giữa đắp nổi hình tượng hổ phù. Đặc biệt chú ý là phần mái tòa Tiền tế cấu trúc kiểu vì vỏ cua, hiện mới chỉ gặp trong một vài di tích vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tòa trong bố trí hai bệ thờ, trên đặt khám thờ Mẫu. Gian bên phải đặt tượng Trần triều, được tạo tác bằng đất, trong tư thế uy nghi và đường vệ.
Nhà Tổ: Đây là một hạng mục kiến trúc khá lớn kết cấu kiểu chữ Nhị, mới được làm trong những năm gần đây. Tòa trước dựng theo kiểu hai tầng tám mái, chạm trổ trên kiến trúc khá kỹ lưỡng, hoa văn mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn, được chọn lọc kỹ mang giá trị biểu tượng cầu phúc và các biểu tượng của nhà Phật. Hệ thống vì nóc nhà Tổ được tạo tác theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường trụ trốn”. Tòa đệ nhất nhà Tổ là nơi thờ riêng Di Đà Tiếp Dẫn. Tòa sau dùng để thờ Tổ chùa. Bên trong nhà Tổ có tượng sáp giống người thật của Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Tứ (1927-2011) người con của đất Hưng Yên và là một vị lãnh đạo trụ cột của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giếng cổ và vườn tháp: gồm các ngôi tháp dựng bằng gạch và đá ong. Đặc biệt có ngôi tháp mộ một tầng, bằng đá ong, nhỏ nhắn, khiêm tốn, đẹp đẽ,... được làm vào đời Chính Hòa (1701). Giếng cổ nằm bên cạnh tháp mộ.
Cầu đá
Cầu được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, bắc ngang qua dòng Nguyệt Đức. Vào thế kỷ XVI, cây cầu này được làm bằng gỗ lim. Để đảm bảo chắc chắn và thuận tiện cho người dân đi lại, thời Tự Đức (1848- 1883) cầu được thay hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, ghép khít lại với nhau. Cầu rộng hơn 1 mét, xây 9 nhịp, dầm cầu hình chữ nhật. Hai bên thành cầu còn hầu như nguyên vẹn các mỏm đá dầm cầu được chạm trổ vân mây, một họa tiết thường sử dụng trang trí trong kiến trúc cổ, được tạo tác công phu, nghệ thuật, rất xảo diệu và cầu kỳ, trông như những đầu rồng. Chân cầu là những cột đá hình trụ, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu. Mỗi dầm cầu được chống đỡ bởi ba cột đá. Điểm đặc biệt của cây cầu còn là tính bền vững về kết cấu.
Mặc dù mặt cầu, mố cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết, nhưng trải qua thời gian mặt cầu vẫn phẳng, chắc chắn và vững chãi. Điều đó cho thấy trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người thợ ngày xưa rất đáng nể phục.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, cầu Nôm còn là một trong không nhiều cây cầu đá nguyên vẹn, cổ đẹp nhất có niên đại vào thế kỷ XVIII ở nước ta hiện nay. Cây cầu là điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt của làng Nôm.
Ngoài cây cầu đá, tại làng Nôm còn lưu giữ được cây cầu gạch cổ nằm tại vị trí giữa ao làng. Cầu được xây dựng vào năm 1929 (thời Nguyễn) với tổng diện tích 28m2. Hai bên thành cầu được xây bằng gạch, đắp vôi vữa. Mặt cầu lát gạch chỉ nghiêng. Phía dưới gầm cầu được ghép bằng hai thanh sắt chắc chắn. Hiện tại, cầu gạch cổ làng Nôm có chức năng nối hai bên bờ hồ tạo thành một điểm nhấn giữa hồ, góp phần tô điểm thêm cho không gian cảnh quan nơi đây thêm màu cổ kính.
Cổng làng
Cổng làng có hai cổng lớn theo trục Đông - Tây, mỗi cổng được xây dựng và thiết kế cầu kỳ có khắc câu đối với ý nghĩa nói về truyền thống của làng và khuyên răn con cháu. Cổng phía Đông được xây dựng vào năm Ất Mão (1915). Đây được xem là cổng làng đẹp nhất xứ Bắc. Cổng được xây theo kiểu bát trụ, kiểu cổng mà chỉ hoàng thân quốc thích xưa kia mới có. Toàn bộ cổng làng có chiều cao 7,75m, chiều rộng 10,4m. Cổng phía Tây được xây dựng vào năm 2011, nằm phía sau Văn chỉ và đình Đại Đồng. Cổng này có kết cấu và trang trí kiến trúc cơ bản giống với cổng cổ phía Đông.
Chợ Nôm
Chợ Nôm có từ thời Lê, được trùng tu lại vào thời Nguyễn, nằm trên bãi đất rộng chừng 2 mẫu Bắc Bộ trước cửa chùa, dưới những tán cây cổ thụ. Chợ họp tháng 12 phiên, vào các ngày có số cuối là: 1, 4, 6, 9. Năm 1997, chợ được dựng lại và có quy mô như ngày nay. Điểm tạo nên sự đặc biệt là không gian chợ với những dãy chợ được xây dựng bằng gạch đỏ, tự nung từ đất sét của người xưa, vẫn giữ màu đỏ au, mái ngói rêu phong.
Hệ thống các nhà thờ họ/ từ đường
Tại làng Nôm hiện còn lưu giữ được hệ thống các nhà thờ dòng họ theo phong cách kiến trúc truyền thống, trong đó có một số nhà thờ phân bố sát trên trục đường chính, hướng mặt ra hồ nước giữa làng; 01 nhà thờ dòng họ phân bố trong ngõ xóm nhỏ (họ Lê). Tất cả các nhà thờ phân bố trên trục chính đều là những dòng họ lớn, khá giả trong làng; trong đó dòng họ Phùng là lớn nhất và giàu có nhất, dọc đường bờ hồ đã có tới 4 nhà thờ mang họ Phùng (nhà thờ họ Phùng, đến nhà thờ họ Phùng chi Cả, chi Hai, chi Ba). Những ngôi Từ đường/nhà thờ hướng ra hồ thường có quy mô kiến trúc vừa phải, không quá lấn át các công trình xung quanh, hài hòa với cảnh quan chung và tạo nên điểm nhấn đặc biệt của không gian làng Nôm.
Các từ đường dòng họ ở làng Nôm hầu hết đều có niên đại kiến trúc vào thế kỷ XIX và luôn được con cháu trong họ quan tâm tu bổ. Mỗi Từ đường thường có cổng, tường bao riêng và nơi thờ chính là một nhà khung gỗ 3 gian; các cấu kiện kiến trúc của từ đường được làm đơn giản với kiểu vì kèo cọc báng bào soi gờ chỉ hoặc kiểu giá chiêng chồng rường. Các từ đường chú trọng trang trí đắp vẽ trên cổng nhiều hơn là nhà thờ chính. Những bức hoành phi câu đối trong các nhà thờ đều lưu lại bút tích của các thế hệ tiền nhân, hàm chứa ý nghĩa nhân văn: uống nước nhớ nguồn, nhớ tới tiên tổ để xây dựng tương lai. Hệ thống các nhà thờ luôn được con cháu dòng họ quan tâm tu bổ.
Văn chỉ
Văn chỉ làng Nôm (Văn chỉ Đại Đồng) là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương. Văn chỉ được khởi dựng từ sớm, trùng tu, tôn tạo lớn vào năm 2017. Hiện tại, Văn chỉ được thiết kế theo kiểu lộ thiên ngoài trời nằm liền kề đình Đại Đồng, xung quanh có tường bao bảo vệ. Cổng Văn chỉ được xây dựng theo kiểu nghi môn, trung tâm văn chỉ đặt một nhang án thờ, hai bên là hai đẳng tế xây bằng vôi gạch đơn giản.
Giếng cổ
Hiện tại, làng Nôm còn lưu giữ được 03 giếng cổ có tuổi đời hàng nghìn năm và được coi như tài sản quý của người dân nơi đây. Giếng nằm rải rác trong làng, có chiếc nằm trước cửa đình Đại Đồng, có chiếc nằm ven đường bên cạnh cầu đá, chiếc nằm ẩn mình dưới tán cây cổ thụ tại chùa Nôm. Tuy nhiên, tất cả chúng đều có điểm chung là đều ám màu thời gian. cả ba giếng cổ đều giữ được tang giếng cổ, nước trong mát quanh năm. Phần cổ giếng được làm từ đá xanh rất đẹp, đặc trưng của loại giếng khơi vùng quê Bắc Bộ. Bên trong giếng, các lớp gạch xếp chồng lên nhau dưới phần cổ giếng, miệng giếng có nắp đậy. Thành giếng cũng là phiến đá cổ nguyên phiến.
Ao làng
Ao làng nằm tại vị trí giữa làng Nôm, nước trong vắt bốn mùa không bao giờ cạn. Hai bên bờ là những con đường lát gạch chỉ nghiêng cùng những nhà thờ cổ kính soi bóng xuống mặt ao, xung quanh được xóm làng bao bọc. Từ trên đường có những bậc thềm bằng gạch dùng làm cầu ao nơi lên xuống rửa ráy của bà con trong làng. Ngày nay, ao làng được người dân nơi đây bảo vệ chu đáo, là tài sản chung của cộng đồng.
Di vật tiêu biểu tại chùa và Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như: Tượng phật, cây hương đá, tháp đá, chuông đồng, nhang án gỗ, câu đối, đại tự, sắp phong, thần tích, sập thờ, ngai thờ, kiệu… Đặc biệt là 100 pho tượng đất nung trải qua ngàn năm, nhiều lần ngập lụt, ngâm trong nước, nhưng những pho tượng đất vẫn nguyên vẹn. Các pho tượng đất đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất, có thể là một hòn giả sơn, hoặc đơn giản chỉ là cái bệ. Đủ các thế tượng đứng, ngồi, gầy, béo, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên, tướng dữ… Các pho tượng mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Các vị thần cũng được mô tả như con người bình thường, nhưng rất thoát tục. Điều gây ấn tượng với các nhà sử học không phải là số lượng các pho tượng ở đây mà là độ bền không tưởng của chúng. Mặc dù đã trải qua không ít các trận lụt lớn nhỏ trong lịch sử và thời gian bị ngập kéo dài nhưng những pho tượng đất ở chùa Nôm vẫn giữ được sự nguyên vẹn vốn có, là ẩn số lớn đối với các nhà khoa học thời nay.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Quần thể di tích làng Nôm là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và dân tộc: nơi nuôi giấu, che chở cho các đồng chí cán bộ cách mạng về địa phương hoạt động được an toàn. Tiêu biểu có đình Đại Đồng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đại Đồng, tập hợp, huấn luyện quân sự để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Chùa Nôm được coi như là một căn cứ địa quan trọng của lực lượng cách mạng,... Ngày nay, Quần thể di tích làng Nôm được tu sửa khang trang, sạch đẹp, làm nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.
Quần thể di tích làng Nôm không chỉ đơn thuần là những công trình tôn giáo tín ngưỡng, từ đường dòng họ, các công trình công cộng mà là một quần thể đan xen nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc cổ, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội qua các thời kỳ lịch sử của đất nước nói chung và vùng đất này nói riêng. Đồng thời, góp phần tạo nên một thiết chế văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa làng Việt. Hơn nữa, sự tồn tại của những công trình này trong một tổng thể không gian chung của làng quê Bắc Bộ đã góp phần tạo nên những giá trị về mặt kiến trúc, cảnh quan, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa khác.
Với những giá trị trên, ngày 07/01/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Quần thể di tích làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.